Nằm trong chuỗi kế hoạch phát triển và nâng cao năng lực Doanh nghiệp, để đáp ứng tính nhất quán việc quản lý qui trình phát triển phần mềm, vừa qua vào ngày 09 tháng 04 năm 2024 tại văn phòng UNIT đã chính thức khởi động dự án “Xây dựng Quy trình Phát triển Phần mềm theo tiêu chuẩn CMMi-3”.
Lễ khởi động diễn ra thành công với sự tham gia của Ban Lãnh Đạo Công ty UNIT, đại diện Công ty tư vấn – Anh Thái Quang Hy – CEO & Founder Công Ty IMI, Anh Nguyễn Minh Khuê – Đại diện Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của USAID và các thành viên tham gia thực hiện dự án từ các trung tâm giải pháp của UNIT. Dự án được quản trị bởi Anh Phạm An Vương Quốc.
CMMI (Capability Maturity Model Integration) là một công cụ quản lý chất lượng và tiến độ của phần mềm, được tạo ra bởi Viện Nghiên cứu Phần mềm Tư nhân (SEI) thuộc Đại học Carnegie Mellon. CMMI được sử dụng để đánh giá mức độ trưởng thành của các tổ chức trong việc sản xuất và phát triển phần mềm.
CMMi Level 3, còn gọi là “Quy trình được xác định” (Defined), là cấp độ thứ ba trong mô hình CMMi, cấp độ này đòi hỏi công ty đã có hệ thống quy trình chuẩn cho từng giai đoạn trong vòng đời phát triển phần mềm (Software Development LifeCycle – SDLC). Thể hiện tổ chức đã đạt được một số bước tiến quan trọng trong việc thiết lập và quản lý quy trình với các đặc điểm chính của CMMi Level 3:
- Hệ thống quy trình được xác định: xây dựng và triển khai hệ thống quy trình chuẩn mực cho các hoạt động phát triển phần mềm. Các quy trình này được mô tả rõ ràng, đầy đủ và được tuân thủ nhất quán.
- Quản lý quy trình hiệu quả: có các quy trình quản lý dự án cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong việc triển khai và theo dõi các dự án.
- Sự kiểm soát và theo dõi: Các quy trình được kiểm soát và theo dõi sát sao để đảm bảo rằng chúng đang hoạt động theo cách mà chúng được định nghĩa (Defined) và đáp ứng được các mục tiêu chất lượng và hiệu suất.
Dự án là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của UNIT với nhiều giá trị thiết thực được mang lại như sau:
- Nâng cao chất lượng phần mềm: Quy trình phát triển được chuẩn hóa, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và kiểm soát tốt rủi ro, giúp giảm thiểu lỗi và nâng cao chất lượng sản phẩm phần mềm.
- Tăng hiệu quả hoạt động: Tiêu chuẩn CMMI giúp tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của đội ngũ phát triển.
- Tăng sự hài lòng của khách hàng: Giảm sai sót và rủi ro trong các công đoạn phát triển phần mềm, chất lượng phần mềm được đảm bảo, dịch vụ khách hàng được nâng cao.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh: Việc áp dụng CMMI-3 giúp nâng cao năng lực, vị thế và hình ảnh của Công ty trên thị trường
- Mở rộng cơ hội hợp tác: Cùng với những điểm lợi trên, Công ty có thêm nhiều cơ hội để hợp tác và phát triển kinh doanh với các đối tác và khách hàng trong nước và toàn cầu.